MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ VIỆC TỔ CHỨC CÁC PHIÊN TÒA XÉT XỬ RÚT KINH NGHIỆM

Việc tổ chức các phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án. Trong năm 2022, Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước đã lựa chọn được 08 vụ án để tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm, trung bình mỗi Thẩm phán 02 vụ, đạt chỉ tiêu thi đua đề ra và vượt chỉ tiêu đối với mỗi Thẩm phán là 01 vụ/ 01 Thẩm phán. Tất cả các phiên tòa nêu trên đều đảm bảo chất lượng, đạt hiệu quả cao. Từ thực tiễn, đơn vị rút ra được một số bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện như sau:

Việc lựa chọn vụ án để xét xử rút kinh nghiệm: Để phát huy được vai trò, kỹ năng của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nhất là kỹ năng tranh tụng, xét hỏi (hỏi) thì cần lựa chọn những vụ án phức tạp, đông người tham gia tố tụng, có khả năng có những tình huống phát sinh tại phiên tòa, có luật sư bào chữa cho bị cáo hoặc có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

Thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan phối hợp: Trong những trường hợp cần thiết, Tòa án, Viện kiểm sát cần trao đổi, phối hợp tốt với các cơ quan liên quan, như: Công an, Trung tâm y tế,….. để chuẩn bị tốt công tác bảo vệ phiên tòa và dự lường, xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa.

Về việc nghiên cứu hồ sơ: Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, cần chia ra từng nhóm chứng cứ liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (đối với án hình sự) cũng như chia từng nhóm chứng cứ: Chứng cứ nào đã thống nhất, chứng cứ nào còn mâu thuẫn. Tập trung những chứng cứ, những vấn đề đã được làm rõ trong hồ sơ và những vấn đề còn có mâu thuẫn về lời khai để cần phải tập trung làm rõ tại phiên tòa

Cần chuẩn bị chu đáo kế hoạch điều khiển phiên tòa và kế hoạch xét hỏi: Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa cần xây dựng kế hoạch điều khiển phiên tòa đảm bảo trình tự, thủ tục quy định; bên cạnh đó, cần dự lường những tình huống phát sinh tại phiên tòa và các biện pháp xử lý khi có tình huống phát sinh.

Xây dựng kế hoạch xét hỏi sát với nội dung từng vụ án, xác định đúng thứ tự hỏi, trình tự hỏi. Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, cần xác định đầy đủ các tình tiết của vụ án, những vấn đề đã được làm rõ, những vấn đề còn mâu thuẫn cần được làm sáng tỏ qua quá trình hỏi.

Để phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đạt hiệu quả thì đây là một phần việc quan trọng, bởi lẽ thực hiện tốt được phần việc này, Thẩm phán- chủ tọa phiên tòa sẽ không lúng túng khi xử lý các tình huống phát sinh. Trong quá trình điều khiển phiên tòa theo kế hoạch xét hỏi đã chuẩn bị trước sẽ giải quyết được toàn diện nội dung vụ án, làm rõ được những vấn đề cần tập trung làm rõ.

Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để xét xử rút kinh nghiệm: Bố trí phòng xử án, sắp xếp bàn ghế, bố trí chỗ ngồi cho những người tham gia tố tụng…

Để tiện cho những người tham dự phiên tòa (Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên) có cơ sở theo dõi và góp ý tại phiên họp rút kinh nghiệm thì Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa cần tóm lược nội dung vụ án gửi trước (đối với các vụ án hình sự thì gửi Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát, đối với các vụ án dân sự thì tóm tắt nội dung vụ án…).

Thực hiện tốt việc điều khiển phiên tòa: Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa cần đặt những câu hỏi, xác định những vấn đề để các bên tranh luận với nhau, hướng việc tranh luận đi vào những vấn đề cần làm sáng tỏ.

Lựa chọn đúng phương pháp xét hỏi tại phiên tòa để làm rõ được các tình tiết của vụ án, nhất là đối với các vụ án có bị cáo không nhận tội.

Việc xét hỏi dựa trên kế hoạch xét hỏi đã được chuẩn bị; tuy nhiên, Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa cần chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến tại phiên tòa.

Theo dõi, ghi chép diễn biến tại phiên tòa: Đây là cơ sở để Hội đồng xét xử ban hành bản án, quyết định đảm bảo tính pháp lý, căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai, dân chủ tại phiên tòa.

Xác định đúng thành phần người tham gia tố tụng: Sau khi nghiên cứu kỹ nội dung vụ án, Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa cần xác định chính xác, đầy đủ các thành phần tham gia tố tụng. Đây là một trong những khâu quan trọng, bởi lẽ: Xác định được đúng, đầy đủ thành phần người tham gia tố tụng hạn chế được tình trạng phải hoàn phiên tòa do thiếu người tham gia tố tụng; kể cả trong trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung do trong quá trình điều tra, truy tố chưa xác định, tại phiên tòa mới phát hiện và tránh trường hợp cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm do xác định thiếu thành phần người tham gia tố tụng.

Có kế hoạch phân công người tiến hành tố tụng dự khuyết: Khi phân công Hội thẩm nhân dân tiến hành tố tụng cần phân công Hội thẩm dự khuyết, nghiên cứu hồ sơ trước khi xét xử cũng như phân công Thư ký dự khuyết để tránh trường hợp phải hoãn phiên tòa vì Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa vắng mặt, không thể tiến hành việc xét xử được.

Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên, Hội thẩm nhân dân cần trao đổi, phối hợp tốt với nhau trong kế hoạch xét hỏi: để thống nhất về trình tự, thứ tự xét hỏi, nội dung hỏi để tránh trường hợp hỏi trùng lặp.

Hình ảnh phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án hình sự

Nguồn: Văn phòng Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiệt thân có lỗi do mình

     Từ đầu năm 2023 đến nay Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước …

X