TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TIÊN PHƯỚC THỰC HIỆN TỐT VIỆC HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước đặc biệt quan tâm. Mỗi năm, đơn vị lựa chọn một hình thức thực hiện thiết thực, có hiệu quả. Ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã đăng ký thực hiện mô hình “TAND huyện Tiên Phước thực hiện tốt công tác dân vận trong giải quyết, xét xử các loại án” với các nội dung, mục tiêu cụ thể như sau: Đạt tỷ lệ cao trong hòa giải, đối thoại khi giải quyết các vụ án Dân sự, Hành chính (nếu có); tăng cường công tác hòa giải, đối thoại, tạo điều kiện để các bên đương sự tự thỏa thuận giải quyết với nhau về việc giải quyết nội dung vụ án; thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật trong quá trình giải quyết, xét xử cũng như viết bài đăng Cổng thông tin điện tử; tích cực đi cơ sở để nắm bắt tình hình phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp; phối hợp với một số địa phương trên địa bàn huyện nắm bắt tình hình, theo dõi, giúp đỡ một số đối tượng sau khi chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Sau gần 01 năm thực hiện, với sự nỗ lực, cố gắng, phấn đấu của tập thể cũng như bản thân mỗi cán bộ công chức, người lao động của đơn vị, Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước đã đạt hiệu quả các phần việc liên quan; cụ thể như sau:

– Về công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án: đạt kết quả tốt, số vụ án tiến hành tổ chức hòa giải được thì đa phần hòa giải thành.

– Về tỉ lệ hòa giải thành trong các tranh chấp dân sự đạt tỷ lệ cao (67%) (vượt chỉ tiêu quy định và đề ra).

– Về chất lượng, giải quyết xét xử các loại án: đạt chất lượng tốt; tính đến thời điểm hiện nay, đơn vị không có án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, của Hội đồng xét xử.

– Có nhiều trường hợp sau khi được hòa giải, các bên đương sự đã tự thỏa thuận, thống nhất với nhau về cách giải quyết tranh chấp; góp phần tháo gỡ những vướng mắc, giảm bớt mâu thuẫn, xung đột phát sinh trong đời sống; tiết kiệm được thời gian và chi phí tố tụng cho người dân.

– Về công tác tuyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Đây là biện pháp mang tính chất lâu dài để phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội nên được đơn vị đặc biệt quan tâm. Thông qua công tác giải quyết, xét xử, Thẩm phán, Thư ký thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để cho những người tham gia tố tụng nhận thức được hậu quả và tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm, đồng thời phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân để góp phần hạn chế vi phạm pháp luật xảy ra. Đến nay, có nhiều bài viết đăng cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước; trong đó có những bài viết liên quan đến hoạt động xét xử.

– Có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa đơn vị với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, Ban chấp hành Chi đoàn, các thành viên trong Tổ công tác phòng, chống ma túy của huyện trong việc giúp đỡ các đối tượng sau khi cai nghiện, sau khi chấp hành án. Thời gian vừa qua, đơn vị đã giúp đỡ được 07 đối tượng ở 05 xã, thị trấn. Đến thời điểm hiện nay, cả 07 đối tượng được phối hợp quản lý, giúp đỡ sau cai nghiện, sau khi chấp hành án có việc làm, đời sống ổn định, không tái nghiện. Việc làm trên đem lại hiệu quả thiết thực; thể hiện mối quan hệ gần gũi, khắng khít giữa cán bộ và nhân dân; có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Từ những kết quả đã đạt được như đã nêu trên, đơn vị chúng tôi nhận thấy rằng để thực hiện tốt việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần có sự chung tay giúp sức của nhiều cơ quan, tổ chức và nhiều cá nhân; học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bắt đầu bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và ý nghĩa.

Đơn vị phối hợp cùng với chính quyền địa phương, đoàn thể, gia đình thăm và giúp đỡ một trường hợp sau cai nghiện

Nguồn: Văn phòng Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiệt thân có lỗi do mình

     Từ đầu năm 2023 đến nay Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước …

X