TRAO ĐỔI VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2022 với chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. Chính vì vậy, việc xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên tốt là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng và thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong quá trình sinh hoạt chi bộ, trong tầm quan sát của tôi, thấy vẫn còn tình trạng một số ít cán bộ đảng viên có tinh thần phê và tự phê chưa cao; ít tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Chi bộ, cơ quan, nhất là đối với cán bộ đảng viên trẻ.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

* Thứ nhất: Về công tác chuẩn bị

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ trước hết phải thực hiện tốt công tác chuẩn bị, cụ thể như sau:

– Thời gian: Đối với sinh hoạt định kỳ thì cần ấn định thời gian nhất định (Cần ban Quy chế hoạt động của chi bộ để thực hiện); đối với sinh hoạt đột xuất thì phải thông báo trước ít nhất 01 buổi để Đảng viên chủ động sắp xếp thời gian, bố trí công việc tham gia đầy đủ; để đảm bảo được thành phần đảng viên tham dự họp theo đúng quy định (ít nhất 85% đảng viên dự sinh hoạt, không có đảng viên vắng mặt không có lý do hoặc đảng viên vắng mặt có lý do quá 03 lần liên tiếp trong năm, trừ một số trường hợp khác như: miễn công tác, sinh hoạt đảng theo quy định).

– Địa điểm: Quy định địa điểm cụ thể.

– Cử Thư ký ghi biên bản thường xuyên: Cử 01 Đảng viên phụ trách ghi biên bản ngay từ đầu năm nhằm: Thuận lợi cho việc theo dõi, quản lý sổ ghi biên bản.

– Phân công Đảng viên cung cấp các số liệu liên quan đến công tác chuyên môn để có cơ sở đánh giá các mặt công tác, những kết quả đã thực hiện được (lãnh đạo của hai đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo).

– Nội dung sinh hoạt:

+ Cần có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ. Nội dung này do Bí thư hoặc do Phó Bí thư được phân công phụ trách thực hiện.

+ Cập nhật kịp thời số lượng công việc thanh tra- khiếu tố; nội dung công tác về tổ chức cán bộ trong tháng.

+ Cập nhật đầy đủ các văn bản cần triển khai đến Đảng viên; trên cơ sở đó nắm những vấn đề, những nội dung chính, cốt lõi của các văn bản.

+ Nắm được những hạn chế, tồn tại của tháng qua; nắm được trách nhiệm cá nhân để xảy ra những hạn chế, tồn tại.

+ Có kế hoạch phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên. Ngoài những nhiệm vụ được phân công thường xuyên thì phải tùy tình hình nhiệm vụ trong thời gian đến mà phân công công việc cụ thể, rõ ràng; có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc.

* Thứ hai: Một số giải pháp cụ thể để thực hiện

* Đối với Bí thư (hoặc Phó Bí thư trong trường hợp được Bí thư phân công)

Bí thư (hoặc Phó Bí thư trong trường hợp được Bí thư phân công) là người trực tiếp chủ trì cuộc họp phải đảm bảo các hướng dẫn được quy định tại Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương, cụ thể:

– Trước khi sinh hoạt chi bộ, cần họp Bí thư, Phó Bí thư để thống nhất nội dung sinh hoạt, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo của Chi bộ trong tháng, dự kiến nhiệm vụ tháng đến.

– Gửi trước tài liệu cho đảng viên để nghiên cứu, chuẩn bị nội dung phát biểu ý kiến: Đây không phải là nội dung bắt buộc, tuy nhiên để có cơ sở cho đảng viên chuẩn bị đóng góp ý kiến xây dựng chi bộ cũng như việc có ý kiến sát đúng thì nên thực hiện vấn đề này. (Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương quy định: Chi bộ có điều kiện thì gửi trước tài liệu sinh hoạt chi bộ…)

– Chủ trì thời gian sinh hoạt Chi bộ phải đảm bảo 90 phút trở lên. Nếu kết hợp sinh hoạt chuyên đề với sinh hoạt chi bộ thường kỳ trong cùng một buổi thì phải đảm bảo thời gian tối thiểu 120 phút.

– Chủ trì buổi sinh hoạt đảm bảo nội dung, kế hoạch đã chuẩn bị, đảm bảo tính nghiêm túc, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và linh hoạt tùy tình hình.

– Định hướng cho các đảng viên tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến: Có thể đề nghị từng đồng chí đảng viên phát biểu ý kiến về nội dung cụ thể nào đó; để trước hết phát huy được trí tuệ tập thể; nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân của bản thân mỗi đảng viên; tránh tình trạng chủ trì “triển khai” rồi “kết luận”, đảm bảo tiêu chí “có nhiều đảng viên tham gia phát biểu ý kiến”.

– Bí thư Chi bộ chủ trì cuộc họp trên cơ sở dân chủ, tiếp thu ý kiến đóng góp của đảng viên. Việc đóng góp ý kiến của đảng viên không phải là bắt buộc tuy nhiên cũng cần phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi đảng viên, phát huy tinh thần phê và tự phê, đảm bảo tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.

– Trong triển khai nhiệm vụ, phải phân công nhiệm vụ cho đảng viên, đồng thời phải quy định thời gian hoàn thành cụ thể.

– Kết thúc buổi sinh hoạt cần kết luận lại những vấn đề mà đảng viên có ý kiến trao đổi.

* Đối với Đảng viên

– Cần nghiên cứu tài liệu do Bí thư chuyển đến (nếu có), chuẩn bị và định hướng nội dung phát biểu.

– Tại buổi sinh hoạt, cần chấp hành đúng nội quy hội họp; không làm việc riêng, tránh tình trạng không tập trung khi Bí thư triển khai nội dung cuộc họp.

– Ghi chép sổ họp: Theo dõi diễn biến cuộc họp, ghi chép đầy đủ để có ý kiến trao đổi cũng như thống nhất thực hiện sau khi có kết luận của chủ trì cuộc họp.

– Cần phát huy tinh thần trách nhiệm của cá nhân mỗi đảng viên:

+ Xác định việc đóng góp ý kiến xây dựng chi bộ vừa là nhiệm vụ cũng vừa là trách nhiệm của đảng viên.

+ Cần loại bỏ tâm lý e dè, rụt rè, nhất là đối với những cán bộ đảng viên trẻ.

+ Nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Trước hết là nhìn nhận được những hạn chế của mình để có hướng khắc phục, tiếp thu ý kiến đóng góp của người khác trên tinh thần cầu thị, tiến bộ; sau đó trên tinh thần thẳng thắn, chân thành góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp.

+ Căn cứ tình hình của Chi bộ, đóng góp những đề xuất, những giải pháp nhằm xây dựng Chi bộ vững mạnh.

+ Cán bộ Đảng viên cần xây dựng kế hoạch công tác hàng tuần, hàng tháng.

– Xác định những nội dung cần phát biểu; mạnh dạn thảo luận, trao đổi. Cách phát biểu ngắn gọn, đúng trọng tâm.

* Đối với Chi bộ

– Cần xem xét việc đóng góp ý kiến của đảng viên là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng đảng viên.

– Không để cho đảng viên tâm lý thụ động trong các buổi sinh hoạt Chi bộ.

– Cần kịp thời nhắc nhở đối với đảng viên ít tham gia phát biểu ý kiến cũng như phân công cán bộ đảng viên theo dõi, kèm cặp đối với những đảng viên này.

Bài viết trao đổi của Nguyễn Thị Thanh Tuyên- TAND huyện Tiên Phước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiệt thân có lỗi do mình

     Từ đầu năm 2023 đến nay Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước …

X