Tưởng niệm 100 năm Ngày mất chí sĩ yêu nước Lê Cơ (26/10/1918 – 26/10/2018)

I – Bối cảnh lịch sử.

Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh kháng Pháp bằng vũ lực do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo khắp cả nước đều bị thực dân Pháp dìm trong bễ máu. Sau khi đàn áp xong các cuộc đấu tranh của nhân dân ta, thực dân áp đặt ách thống trị thực dân – phong kiến và tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất đối với nước ta. Đồng thời trong giai đoạn này làn sóng sách báo mới, tư tưởng mới đã tác động đến nước ta, nhất là tầng lớp trí thức. Tiếp thu các luồng tư tưởng mới các sĩ phu yêu nước chuyển phong trào đấu tranh kháng Pháp bằng vũ trang sang hình thức đấu tranh chính trị, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Nổi lên trong giai đoạn này là phong trào Duy tân, phong trào Đông du do Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu khởi xướng và lãnh đạo trên toàn miền Trung lan ra cả miền Bắc và miền Nam.

Trên quê hương Tiên Phước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hai phong trào này. Các chí sĩ như Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu,… cũng thường lui tới Tiên Phước để bàn về “Duy tân”, “Đông du”. Đối với phong trào “Duy tân”, dưới sự khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo của chí sĩ Phan Châu Trinh (quê ở làng Tây Hồ)[1] ở khắp các làng xã trong huyện đều có sĩ phu cổ xúy nhân dân thực hiện duy tân, như ở Thạnh Bình (nay là thôn 1, thôn 2 Tiên Cảnh) có Huỳnh Thúc Kháng, Lê Vĩnh Huy, Lê Vĩnh Khanh; Cẩm Y (này là Tiên Cẩm) có Phan Quang; Bình An Xuân (nay thuộc xã Tiên Thọ) có Nguyễn Xuân Vận; Tân An Tây (nay là thôn 8, Tiên Thọ) có Trần Huỳnh; Phú Lâm (nay là thôn 3, xã Tiên Sơn) có Lê Cơ[2]… Nơi đâu cũng có người đọc ca dao, vè vận động thi đua thực hiện các nội dung Duy tân như ăn mặc theo lối Âu phục, cắt tóc ngắn, học chữ quốc ngữ, bài xích hủ tục,…

Riêng tại làng Phú Lâm, lý trưởng Lê Cơ (tức xã Sáu) tổ chức thực hiện có quy mô lớn nhất và trở thành hình mẫu của việc thực hành Duy tân tiêu biểu cả nước lúc bấy giờ.

II – Thân thế và sự nghiệp.

1. Thân thế.

Chí sĩ Lê Cơ (1870 – 1918[3]) tức xã Sáu quê ở làng Phú Lâm, (Phú Lâm xưa thuộc tổng Việt An Thượng, huyện Lễ Dương, về sau thuộc tổng Đông Việt (một trong 4 tổng của huyện Tiên Phước, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Hiện nay là thôn 3, xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Cha ông là Lê Tuân một bá hộ trong làng. Mẹ ông là người xuất thân từ một gia đình “dòng dõi phẩm hạnh nhân nghĩa”. Lê Cơ là anh em cô cậu với phó bảng Phan Châu Trinh.

Mặc dù sinh ra trong gia đình giàu có nhưng với lối học hành, thi cử dưới thời phong kiến nên ông học đến trường Ba rồi chán ghét, nghỉ học.

Chí sĩ Lê Cơ vốn tính ngay thẳng, không sợ cường quyền. Trong thời gian thôi học về nhà, ông đã đôi lần kiện bọn cường hào tận tỉnh, tòa, kỳ cho thấu lý mới thôi.

2. Công cuộc thực nghiệm Duy tân ở làng Phú Lâm.

Năm 1903, Lê Cơ ra nhận chức lý trưởng làng Phú Lâm với suy nghĩ như người xưa thường nói là: “dẫu không làm cho thiên hạ; cũng thí nghiệm trong một làng[4] (túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương). Ông nhận thấy việc cải cách đất nước là cần thiết nên đã sớm tham gia tích cực phong trào Duy tân. Sau khi nắm quyền hành, ông liền bắt tay vào công cuộc cải cách.

Ngày mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn (25-12-1904), Lê Cơ đệ đơn lên tri phủ Thăng Bình xin mở tiệm buôn tạp hóa và trường dạy Quốc ngữ. Được phê chuẩn, Lê Cơ liền hô hào dân đóng góp tiền của xây dựng một trường học ở phái giữa của làng. Rằm tháng 3 năm Giáp Thìn (30-4-1904) trường học Quốc ngữ này được khai giảng dạy nam giới học, ban ngày dạy thanh niên, tối dạy trung niên, ngày chủ nhật mọi người đến nghe diễn thuyết, nghe thơ, nghe vè, đánh cờ…Rồi từ trường học ban đầu đó, nhân dân Phú Lâm còn lập thêm bốn trường ở bốn phái dạy nam giới học Quốc ngữ, trường phái giữa chuyển sang dạy nữ thanh thiếu niên.

Chương trình học lúc bấy giờ gồm nhiều môn như lịch sử, địa lí, hát, vẽ, toán đố. Dần dần còn một số thanh niên chuyển sang học chữ Pháp và chữ Nhật. Đặc biệt trường này còn đưa cả chương trình quân sự học đường vào giảng dạy cho học sinh dưới hình thức thể dục thể thao. Số học sinh của trường, cả trai lẫn gái hơn 100 người.

Kết quả trên thật đáng tự hào, bởi trong khoảng 1.200 dân của xã, với độ 850 người từ 14 tuổi trở lên, thì đến năm 1908 đã có 650 người đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ[5].

Có thể xem trường Phú Lâm là trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên của phong trào Duy tân và việc lập lớp nữ học cũng là đầu tiên như Huỳnh Thúc Kháng đã xác nhận[6].

Ngoài trường dạy quốc ngữ, Lê Cơ còn vận động lập trường Dục Thanh vào năm 1905 để dạy võ dân tộc, múa kiếm, luyện đao,..cho thanh niên.

Tại địa phận Phú Lâm, Lê Cơ đã tích cực cải cách về mặt xã hội. Tối đến ông thường tập họp dân theo từng phái để diễn thuyết, đọc cho họ nghe những bài thơ cổ động cải cách do ông và những sĩ phu của phong trào Duy tân sáng tác. Ông vận động mọi người mặc đồ ngắn và chính ông là một hội viên trong hội mặc đồ Tây ở Quảng Nam lúc bấy giờ.

Cũng trong thời gian trên, Lê Cơ vận động mọi người góp cổ phần lập tiệm buôn tạp hóa lấy tên “Thương hội bình dân” vào tháng 5 năm 1904. Thương hội có Ban quản trị và một số người chuyên đi mua hàng ở Tam Kỳ, Hội An về bán cho dân, riêng giấy mực chỉ bán một số ít, phần lớn cấp không cho học sinh nghèo.

Hưởng ứng chủ trương mở rộng phong trào ra các tỉnh khác, tại Phú Lâm, ông cũng phái người giả buôn bán nông sản đi khắp nơi để liên lạc và tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước để cổ động phong trào Duy tân.

Trước thực trạng hơn 80% nông dân không có ruộng cày, phải đi làm thuê cho nhà giàu, Lê Cơ đã tạo ra cách sản xuất tập thể với cái tên “Nông đoàn”, “Hợp xã” do một ban trị sự quản lý, điều hành sản xuất. “Nông đoàn” ban đầu canh tác một số mảnh vườn do Lê Cơ và một số người nhiệt thành trong làng hiến rồi nông dân tiếp tục vở hóa phát triển thành những khu vườn rộng lớn trồng các loại cây lâu niên và cây ăn quả. “Hợp xã” cũng tổ chức giống “nông đoàn”, bao gồm những đám ruộng hiến, ruộng công hoặc ruộng đổi, ruộng mua hợp thành để dân nghèo cày cấy chung. Hoa lợi của “nông đoàn”, “hợp xã” được đem bán lấy tiền mua sắm nông cụ, chi tiêu vào việc công ích, chi cho nông dân tính theo công người, công trâu, những người tàn tật, già yếu và thợ thủ công cũng được chia một phần. Một số hoa lợi còn lại đem bán lấy tiền nộp thuế, ủng hộ việc xuất dương và chi vào việc nuôi cơm các thầy giáo, mua giấy mực cấp cho học sinh nghèo, đón tiếp khách các nơi đến Phú Lâm.

Ngoài “nông đoàn”, “hợp xã”, Lê Cơ còn cho lập lò rèn, lò chén, xưởng mộc để vừa phục vụ cho nhu cầu sản xuất, vừa có thể bán ra bên ngoài.

Với những việc làm trên, Lê Cơ đã tạo ra Phú Lâm thành một đơn vị kinh tế riêng, đồng thời ông cũng làm cho nơi đây thành một đơn vị hành chính phần nào riêng biệt với bộ máy hành chính của bọn thực dân, phong kiến lúc bấy giờ.

Để giữ làng xã và ngăn chặn sự dòm ngó của quan lại cấp trên, Lê Cơ đã cắm bảng yết thị giờ giấc vào ra làng Phú Lâm tại các mối đường, dựng điếm canh trong đặt cùm để răn đe những kẻ phi pháp. Ông cho lập một đội tuần đinh lấy tên là “Đoàn kiết”, mỗi tổ gồm 10 người để canh phòng làng xóm vào buổi tối. Thỉnh thoảng, ông còn đến các hộ để xem xét việc làm ăn, xem việc ăn ở của từng nhà như thế nào.

Huỳnh Thúc Kháng đã nhận xét về công cuộc cải cách của Lê Cơ đã biến “một cái làng rừng che núi cách, giao thông trở ngại, thuở nay tịch mịch quê mùa mà bổng thành nơi khai thông vui vẻ, không những dân làng và lân cận tín phục mà người xa nhứt là người đã nếm mùi Âu hóa, đi ngang qua tỉnh Quảng Nam cũng gắng lên làng Phú Lâm đặng xem công cuộc sắp đặt của một ông lý[7].

Công cuộc cải cách càng phát triển thì những kẻ thủ cựu càng phản đối, chúng cho là Lê Cơ đang ngang nhiên làm chủ một vùng. Cuối cùng, tri phủ Lê Bá Đằng đã đến tận Phú Lâm để thu bằng đã cấp cho Lê Cơ lập trường học và hội buôn. Tưởng thuyết phục được Lê Cơ, không ngờ lại bị Lê Cơ thách đi bẩm toà, tri phủ tức giận bèn trình toà ngay. Tại toà sứ Hội An, sau khi nghe Lê Cơ trình bày rõ đầu đuôi, công sứ Sac lơ (Charles) và tổng đốc Nguyễn Hữu Thảng đã cho phép Lê Cơ tiếp tục công việc. Xấu hổ vì bị thua kiện, nét mặt của tri phủ Lê Bá Đằng lúc bấy giờ – theo lời kể của Phan Châu Trinh – trông giống như một lớp thiết giáp[8]

Tuy nhiên, trước sức tiến triển của phong trào, bọn thực dân, phong kiến đã phải lo sợ. Tháng 2 năm 1906, chúng cho đắp một con đường chiến lược dài hơn 60 km từ Hà Lam lên Việt An, ngang qua làng Phú Lâm, rồi chạy xuống Cẩm Khê (Phú Ninh ngày nay) để kịp thời đối phó với một cuộc nổi dậy của Lê Cơ mà chúng dự đoán là sẽ nổ ra. Làm đường xong, chúng còn cho lập đồn binh trong làng Phú Lâm. Tuy thế, Lê Cơ vẫn không hề nao núng.

Năm 1908, trước nỗi thống khổ vì sưu cao thuế nặng, lại được sự tác động mạnh mẽ của phong trào Duy tân về các vấn đề dân trí, dân quyền, dân sinh do các thủ lĩnh Duy tân ở các làng, xã như Lê Cơ, Lê Tiệm, Lê Vĩnh Huy, Phan Quang, Nguyễn Xuân Vận, Trần Thuyết,… lãnh đạo, nên đông đảo nhân dân Tiên Phước đồng tâm ký vào đơn đòi giảm sưu thuế và cùng nhau kéo xuống phủ đường Tam Kỳ trực diện đấu tranh với chính quyền thực dân phong kiến tại phủ đường Tam Kỳ. Tại đây, Lê Cơ cùng Trần Thuyết đã lãnh đạo, hô hào quần chúng bao vây phủ đường Tam Kỳ đòi bắt giam tên đề Tuệ[9] làm tên này hoảng sợ mà chết trên đường tháo chạy. Sau đó, thực dân Pháp đưa quân đàn áp. Chúng xử chém Trần Thuyết[10], đày Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng biệt xứ ở Côn Đảo; kết án 5 năm tù khổ sai tại nhà lao tỉnh (Hội An) đối với Lê Cơ, Lê Vĩnh Huy, Lê Tiệm, Lê Lượng, Lê Kiều,…

Sau cuộc đấu tranh kháng thuế, thực dân Pháp và Nam triều thiết lập đồn ở Phú Lâm, Cây Cốc, Tài Đa,… để ngăn dân nổi dậy. Riêng đồn Phú Lâm, chúng đưa 500 lính tập và lính sơn chiến Âu Phi canh giữ. Đồng thời tăng cường bắt bớ những người tham gia phong trào Duy tân.

Năm 1916, sau khi ra tù, Lê Cơ tiếp tục tham gia khởi nghĩa phá phủ Tam Kỳ do Trần Huỳnh lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa không thành, nhiều nhà yêu nước của Tiên Phước bị giặc bắt, trong đó, Trần Huỳnh bị xử tử; Lê Cơ bị tù khổ sai 7 năm đày biệt xứ đi Lao Bảo. Năm 1918[11], trong một ngày ở Lao Bảo đang ngồi vót tre, thấy một người tù kiết lỵ đang ngồi dềnh dàng trong đám cỏ bị lính dùng báng súng hành hạ, xúc động mãnh liệt, ông liền cầm rựa xông đến chặt đầu tên lính, khi ông vung rựa lên thì cũng là lúc chúng bắn ông. Lê Cơ ngã xuống trên mặt vẫn còn phừng phừng nộ khí.

* Những đóng góp của chí sĩ Lê Cơ trong công cuộc thực hành Duy tân ở làng Phú Lâm và bài học lịch sử.

– Công cuộc thực hành Duy tân tại làng Phú Lâm của chí sĩ Lê Cơ đã khơi dậy tinh thần yêu nước thương dân, ý chí đấu tranh quyết liệt với chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Bên cạnh công cuộc Duy tân tại làng Phú Lâm, Lê Cơ còn đấu tranh khẳng khái với cường hào phong kiến trong các vụ tranh kiện tụng đến tận tòa, tỉnh. Ông là người tích cực tham gia trong cuộc đấu tranh cự sưu 1908 vang dội ở trung kỳ, nhất là trong cuộc khởi nghĩa phá phủ Tam Kỳ do Trần Huỳnh lãnh đạo năm 1916. Sự hy sinh của ông đã tác động mạnh mẽ đến những người yêu nước chân chính làm cho họ càng quyết tâm đánh đổ thực dân Pháp xâm lược.

– Trong suy nghĩ và hành động thực hiện Duy tân của Lê Cơ thể hiện tính độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh và sáng tạo trong cách nghĩ cách làm. Ông không dựa dẫm vào bất cứ thế lực bên ngoài nào mà chủ yếu dựa vào lòng dân và công cuộc Duy tân ở làng Phú Lâm đạt nhiều kết quả tốt đã tạo ra đông đảo người biết viết, biết đọc, biết khai phá tìm hiểu những tư tưởng tiến bộ của công cuộc cách mạng sau này.

– Lê Cơ đã tập hợp một lực lượng đông đảo nhân dân thuộc mọi lứa tuổi, huy động nhiều trí thức tham gia thực hiện công cuộc Duy tân, hình thành nông đoàn, hợp xã, kiết quân,… nhanh chóng hình thành một cộng đồng dân cư ở làng Phú Lâm nói riêng và những người ủng hộ Duy tân nói chung đoàn kết giúp đỡ nhau và chống lại kẻ thù.

* Bài học lịch sử:

– Trong phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc ta muốn thắng lợi phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.

– Người lãnh đạo phong trào cách mạng ở từng địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc áp dụng những chủ trương, chính sách của cấp trên vào địa phương thì mới thành công.

– Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cách mạng, phải biết kết hợp tổng hòa các mối quan hệ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để nắm bắt thời cơ, đưa sự nghiệp cách mạng đi đúng theo chủ trương lãnh đạo, giữ được lòng dân ủng hộ, tranh thủ những thuận lợi, vượt qua khó khăn ở từng địa bàn cụ thể.

– Phát huy tư tưởng tiến công, canh tân đất nước của chí sĩ Lê Cơ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên địa bàn huyện Tiên Phước nói chung và Đảng bộ xã Tiên Sơn nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ huyện Tiên Phước có 12 đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó có Đảng bộ và nhân dân xã Tiên Sơn) và 5 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau năm 1975. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện nhà chung tay góp sức thực hiện thắng lợi nghị quyết các kỳ đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Hiện nay Đảng bộ huyện đang tích cực xây dựng nông thôn mới (đã có 3 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có Đảng bộ xã Tiên Sơn). Toàn huyện phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2022 và huyện đạt danh hiệu anh hùng trong thời kỳ đổi mới giai đoạn 2020 – 2025, tất cả vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

 


[1] Làng Tây Hồ thuộc xã Tiên Hồ, huyện Hà Đông (sau năm 1916 là huyện Tiên Phước), nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh.

[2] Trích Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Tiên Phước (1858 – 1975), NXB CTQG, tái bản 2014, trang 40.

[3] Theo ông Lê Nguyên Đại cháu của cụ Lê Cơ, thì cho rằng Lê Cơ mất ngày 26-10-1918.

[4] Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX, NXB Đà Nẵng, trang 249.

[5] Số liệu lấy từ “Sơ thảo lịch sử phong trào yêu nước và chống Pháp của nhân dân huyện Tiên Phước” của Trần Ngọc Chương.

[6] Huỳnh Thúc Kháng bài giới thiệu Lê Cơ, Báo Tiếng Dân số 513 ra ngày 17-8-1932. Dẫn theo Anh Minh, Ngô Thành Nhân – Ngũ Hành Sơn chí sĩ. TLĐD.

[7] Chí sĩ Lê Cơ  trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX, NXB Đà Nẵng, 2012, trang 236

[8] Bài của Phan Châu Trinh đăng ở Đăng Cổ Tùng Báo, năm 1907 đã mô tả những nét mặt của tri phủ Lê Bá Đằng “thử thời thái thủ diên thường hữu sở thập trùng thiết giáp chi hậu…”

[9] Đề Tuệ là một tên đề đốc Trần Tuệ khét tiếng gian ác coi việc dân phu làm tuyến đường từ Tam Kỳ đi Trà My.

[10] Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam.

[11] sách dư địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng, Công ty Cp In Quảng Nam- 2010, trang 1497 ghi: ông hy sinh năm 1918

                                                                                                                            Tác giả: Ban Tuyên giáo Huyện ủy

                                                                                                  Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Tiên Phước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiệt thân có lỗi do mình

     Từ đầu năm 2023 đến nay Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước …

X