Viết về Ngày Gia đình Việt Nam

     Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam giữ gìn, vun đắp phát huy những giá trị cốt lõi truyền thống của mỗi gia đình với những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp như tình cảm giữa ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, vợ chồng, sự kính trọng ông bà, cha mẹ, lòng hiếu nghĩa của con cháu, tình chung thủy vợ chồng, mối đoàn kết, hòa thuận anh chị em và tình yêu quê hương, đất nước góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

      Ngày 4.5.2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam.

      Qua hơn hai thập kỷ Ngày Gia đình Việt Nam ra đời, với nhiều hoạt động, chủ đề về Ngày Gia đình Việt Nam được các cấp ủy đảng, chính quyền, hội đoàn thể tổ chức, đã lan tỏa trong việc xây dựng gia đình Việt là nơi đi, về, nơi chia sẽ yêu thương, mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

     Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

      Luật hôn nhân gia đình năm 2014 kế thừa những giá trị tốt đẹp nhất của Luật hôn nhân gia đình năm 1959 và Luật hôn nhân gia đình năm 1986 đã “quy định chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, cũng cố chế độ hôn nhân và gia đình”. Luật đã được tuyên truyền, phổ biến đến mọi người dân, đã đi vào cuộc sống, các quy định trong luật đã được tôn trọng, quyền và nghĩa vụ của cá nhân, của mỗi gia đình được bảo vệ, số lượng, tỉ lệ gia đình văn hóa được công nhận mỗi năm tại các khu dân cư chứng minh giá trị của Ngày Gia đình Việt Nam, khẳng định gia đình là tế bào, là hạt nhân của xã hội.

      Từ xưa đến nay, ông cha ta trong mỗi gia đình, trong cuộc sống, qua lao động sản xuất, qua thiết lập các mối quan hệ đã sáng tác, truyền miệng qua nhiều thế hệ, nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ có giá trị về văn học, rất nhân văn để giáo dục mỗi người, ở mỗi hoàn cảnh, trong những mối quan hệ những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ ăn sâu, thấm vào máu thịt của mỗi người. Nói về mối quan hệ cha mẹ con cái có câu ca dao, tục ngữ “công cha như núi Thái Sơn/nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/một lòng thợ mẹ, kính cha/cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, “trẻ cậy cha, già cậy con”; về mối quan hệ anh em   “thương nhau đối đáp người ngoài/gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, “quyền huynh thế phụ”; về quan hệ vợ chồng “chồng giận thì vợ làm lành/miệng cười ha hả rằng anh giận gì”, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “mẹ dạy con thì khéo, cha dạy con thì khôn”…

      Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, giải quyết các tranh chấp phát sinh trong các quan hệ, giao dịch dân sự, Thẩm phán, tham gia giải quyết những vụ việc tranh chấp liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, những truyền thống tốt đẹp trong gia đình được người dân vận dụng, áp dụng trong cuộc sống, trong mỗi vụ án, mỗi hoàn cảnh Thẩm phán chọn lọc những câu ca dao, tục ngữ nội dung đề cao mối quan hệ, tình cảm, trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi thành viên trong gia đình …khơi dậy tình cảm trong mỗi con người, gắn với việc tuyên truyền, giải thích các điều luật về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình đối với gia đình, dòng tộc, trách nhiệm của cá nhân đối với Nhà nước, đối với xã hội đối với hôn nhân và gia đình, từ đó giúp hòa giải hòa thành rất nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, thừa kế giữa các thành viên trong gia đình; hòa giải đoàn tụ cho nhiều cặp vợ chồng bên bờ vực tan vỡ.

      Thời đại này nay, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “ Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

      Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về gia đình Việt Nam, mỗi người chúng ta phải biết phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp về gia đình Việt Nam qua lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, thực hiện tốt Luật hôn nhân và gia đình, cùng chung tay xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

                                                  Tác giả bài viết: Trình Minh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiệt thân có lỗi do mình

     Từ đầu năm 2023 đến nay Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước …

X